Đường Tăng – Nghĩa trang và tiếng nói của người Chăm.

???????????????????????????????Khi đọc bài nghĩa địa của người Chăm thôn Chất Thường bị một thành phần người Kinh nào đó [có quyền lực ?] cho dựng một pho tượng Đường Tăng thì tôi quả thực hơi sốc. Và không biết chính quyền nơi sở tại nhìn nhận vấn đề này như thế nào, nhưng nếu là người Chăm, dù bất cứ ở đâu đều phẫn nộ cho một hành động có thể xem là vô văn hóa này. Đây có thể xem là một sự kiện khôi hài và phản văn hóa chưa từng thấy trong cuộc sống tôn giáo của người Chăm ngày hôm nay.

Đường Tăng hay còn gọi là Đường Tam Tạng là một cao tăng Trung Quốc thời nhà Đường. Sau khi đi Ấn Độ thỉnh kinh trở về, ngài trở thành một dịch giả nổi tiếng về kinh Phật và sau đó ngài trở thành một một vị Thánh Tăng của Trung Quốc với công trình dịch thuật kinh pháp khổng lồ – 74 bộ kinh luận trong 19 năm ròng rã.

Nói đến Đường Tăng, người Việt luôn nhớ tiểu thuyết “Tây Du Ký” của học giả Ngô Thừa Ân, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Tiểu thuyết tường thuật lại chuyến đi của thầy trò Đường Tăng đến Ấn Độ để thỉnh kinh. Sau này, cuốn tiểu thuyết được chuyển tải thành phim “Tây Du Ký” khá nổi tiếng mà khán giả người Việt ai cũng biết đến. Nói như vậy, chúng ta biết rằng nhân vật Đường Tăng được các bạn trẻ Chăm biết đến thông qua phim ảnh Trung Quốc, không liên hệ gì đến tôn giáo và tín ngưỡng của họ.

Nói về nghĩa trang người Chăm, nghĩa trang là nơi linh thiêng và bất khả xâm phạm trong niềm tin tín ngưỡng của người Chăm. Với người Chăm Bà la môn, nghĩa trang là nơi chôn tạm thời, để chờ vài ba năm sau, người Chăm sẽ cải táng, lấy xương cốt làm lễ hỏa thiêu. Sau đám hỏa thiêu, 9 miếng xương trán sẽ được người ta để trong hộp nhôm nhỏ gọi là Klaong. Sau nhiều năm, khi gom được nhiều Klaong trong cùng tộc họ mẹ thì người Chăm sẽ tiến hành làm lễ nhập Kut, nơi an nghỉ vĩnh hằng của người Chăm quá cố.

Hình ảnh khôi hài trong đám tang một người Việt ở Bình Dương mà báo chí đã đưa tin. (Ảnh: thanhnien.com.vn)

Hình ảnh khôi hài trong đám tang một người Việt ở Bình Dương mà báo chí đã đưa tin. (Ảnh: thanhnien.com.vn)

Nghĩa trang tạm thời thôn Chất Thường là nơi chôn cất tạm thời những người quá cố để đợi làm lễ hỏa táng, và đây cũng là nơi diễn ra những nghi lễ liên quan đến đám tang của người Chăm thôn này. Với người Chăm, chỉ từng mét vuông đất nghĩa trang ấy, họ có thể tiến hành đám tang cho cả vạn sinh linh mà không cần mở rộng thêm một mét vuông đất nào. Chính vì thế, người Chăm tiết kiệm và quý từng mét vuông đất, trong đó có đất nghĩa trang. Họ phản đối tất cả những hành đồng xâm phạm lên miếng đất nghĩa trang và đây được xem là đất “cấm”, đất chỉ dành cho người chết.

Việc pho tượng Đường Tăng được lắp đặt tại một nghĩa trang người Chăm cho thấy những người có thẩm quyền ở địa phương đang dung túng cho một hành động gọi là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của một dân tộc thiểu số thấp cổ bé họng một cách trắng trợn và công khai. Vì hành động này như áp đặt người Chăm phải tôn thờ Đường Tăng mặc dù họ không biết Đường Tăng là ai, đến từ đâu.

Trong văn hóa Việt ngày hôm nay cũng không tránh khỏi sự lai tạp văn hóa mà nhiều người từng phản ánh. Hình ảnh “thầy trò Đường Tăng đưa đám tang gây náo loạn đường phố” mà trên báo Thanh Niên đã đưa tin cho thấy thế nào là sự biến tướng, lai tạp trong văn hóa người Việt. Còn người Chăm, dù đứng trước nguy cơ ảnh hưởng văn hóa hiện đại, nhưng họ luôn cố gắng bảo tồn những gì mà tổ tiên đã truyền lại từ bào đời nay từ nghi lễ tang ma, cưới hỏi,… Tiếc rằng, trước sự cưỡng ép [có thể là cưỡng ép vê tinh thần] thì họ đành chấp nhận việc bị dựng một pho tượng “ngoại lai” trên những nấm mồ người nhà của mình mà không có một hành động chống cự yếu ớt nào. Một khi pho tường Đường Tăng đã được dựng lên thì tôi tin rằng sau này sẽ có thêm ba pho tượng khác là Tôn Ngộ Không, Sa Tăng và Trư Bát Giới tiếp tục có mặt trên chính mảnh đất này, vì họ là thầy trò không thể tách rời nhau trong chuyến thỉnh kinh của Đường Tăng !

Nói và thể thiện chính kiến là nhu cầu tất yếu của một công dân, những chính kiến có thể là phản đối hay ủng hộ tán thành về một chính sách nào đó liên quan đến đời sống của công dân, điều này cũng không ngoại lệ với người Chăm, vì họ là công dân mang quốc tịch Việt Nam, là một thành phần dân tộc trong 54 dân tộc anh em Việt Nam. Thế nhưng, quyền này của người Chăm trong thế kỷ 21 này có còn được chính quyền địa phương công nhận hay không. Hay họ chỉ được xem là một loại thành phần dân tộc không có quyền và không được lên tiếng yêu cầu, dù yêu cầu đó là một yêu cầu cấp thiết và hoàn toàn chính đáng.

Nghi vấn về quyền thể hiện chính kiến của người Chăm đang bị giới hạn đã một phần nào bộc lộ rõ ở một khía cạnh văn hóa mà tôi đã nói ở trên. Khi họ đề nghị không được dựng  pho tượng Đường Tăng trên nghĩa trang của họ thì chính quyến địa phương lại làm ngơ ? Trong khi, đây là một yêu cầu chính đáng cần quan tâm. Tôi tin rằng, tất cả người Chăm làng Chất Thường sẽ hai tay phản đối việc lắp đặt pho tượng Đường Tăng trên nghĩa trang của họ. Bởi họ theo tôn giáo Balamon, một tôn giáo khác biệt hoàn toàn với văn hóa Trung Hoa. Vì thế, pho tượng được dựng lên ở nghĩa trang này hoàn toàn vô nghĩa và phản văn hóa. Thế nhưng, điều ngược lại đã xảy ra, bức tượng vẫn cứ được dựng lên, họ phản đối không được nên đành im lặng trong uất ức và đau khổ để chấp nhận một sự thật đau lòng.

Việc dựng pho tượng Đường Tăng ở nghĩa trang người Chăm như một hành động "râu ông nọ cắm cằm bà kia" trong tôn giáo và tín ngưỡng người Chăm (Ảnh: Jaliu Dana)

Việc dựng pho tượng Đường Tăng ở nghĩa trang người Chăm như một hành động “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong tôn giáo và tín ngưỡng người Chăm (Ảnh: Jaliu Dana)

Mặt khác, trách nhiệm của bô lão, các trí thức địa phương trong vấn đề nhạy cảm này cũng đáng phải bàn đến. Theo tôi biết, mỗi làng Chăm đều có hội đồng chức sắc làng, thế nhưng vai trò và trách nhiệm của hội đồng chức sắc làng đã được thực hiện tốt chưa. Tại sao một pho tượng trong văn hóa Trung Quốc lại được lắp đặt ở nghĩa trang địa phương mà họ [chức sắc] không đứng ra phản đối, tức là phản đối một cách quyết liệt và đến nơi đến chốn. Từ việc phản đối không được diễn ra một cách quyết liệt, tôi đặt ra hai giả thuyết, một là họ bàng quan trước sự xâm phạm niềm tin tín ngưỡng của người ngoài, hai là họ không dám lên tiếng vì sợ liên lụy đến bản thân và gia đình. Theo tình hình hiện tại, thiển ý của tôi nghiêng về giả thuyết thứ hai hơn. Một khi chính quyền đã cho phép thì họ mặc định việc đó không thể phản đối được, vì nếu phản đối, họ e sẽ bị liệt kê vào “danh sách đen” của chính quyền. Đó là một sự thật không thể đau lòng hơn !

Hi vọng, qua bài viết, chính quyền địa phương sẽ xem xét lại việc cho dỡ bỏ pho tượng Đường Tăng này, một pho tượng xa lạ trong văn hóa của người Chăm. Xem xét những nguyện vọng chính đáng của người dân là một việc làm cần thiết trong cách quản lý của chính quyền địa phương. Cái nào sai, đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân thì cần phải thay đổi. Việc làm này có thể để tránh một hậu quả khó lường về sau, vì những uất ức, phẫn nộ một khi đã tới hạn thì nó đưa đến những hành động bất chấp.

Nagar urang/26-3-2014.

Jayapanrang*

* Tác giả gửi trực tiếp cho Gupataom.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.