Đại hội Chi hội dân tộc Chăm nhiệm kỳ IV (2014-2019)

10494586_546187382160221_2270632710685466708_nChiều ngày 15/6/2014 vừa qua, Đại hội chi hội dân tộc Chăm nhiệm kỳ IV (2014-2019) đã diễn ra thành công tại Phân viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam-61 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Tp.HCM.

Đến tham dự có sự hiện diện của các vị đại biểu như: TS. Nguyễn Khắc Cảnh – Phó hiệu trưởng trường ĐH KHXH-NV, Cô Chu Giao Quỳnh Trâm – Đại diện Ban Dân tộc Tp.HCM, Ông Mai Văn Đức, Pgs.Ts Thành Phần, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Bá Trung Phụ, Ts. Trương Văn Món, Ths. Đàng Năng Hòa, Ths. Quảng Đại Tuyên cùng các vị nhân sĩ trí thức, chức sắc Chăm và đông đảo sinh viên Chăm.

Do Chi hội dân tộc Chăm trực thuộc Hội Dân tộc học Tp.HCM (HDTHTP) và vừa qua HDTHTP đã tổ chức thành công đại hội theo nhiệm kỳ mới (2014 – 2019) và đổi tên thành Hội Dân tộc học – Nhân học Tp.HCM, nên tất cả các chi hội trực thuộc phải tổ chức bầu lại theo nhiệm kỳ mới đúng với nhiệm kỳ của Hội Dân tộc học – Nhân học Tp.HCM trong đó có Chi hội dân tộc Chăm. Đây chính là lý do để tổ chức Đại hội, thông qua đó mục đích của Đại hội nhằm đánh giá tình hình hoạt động vừa qua, góp ý phương hướng hoạt động sắp tới của Chi hội, đồng thời bầu Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kỳ nhiệm kỳ IV (2014 – 2019).

Qua đó được nghe anh Đàng Văn Vinh-Chi hội phó báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2007-2013. Cùng điểm qua một vài hoạt động đáng chú ý.

Hoạt động nghiên cứu:

Chi hội đã sưu tầm các điệu múa, điệu trống và làn điệu dân ca Chăm, quay phim – chụp ảnh về các lễ hội Rija Nâgar, lễ hội Katé, lễ hội Ramâwan…để bảo tồn.

Hoạt động dạy tiếng Chăm:

Từ năm 2007 đến nay, Chi hội tổ chức thành công nhiều khóa học tiếng Chăm cho các bạn sinh viên. Trong đó, có 5 khóa học tiếng Chăm được sự hỗ trợ của của quỹ CEEVN tại Hà Nội, và đã  cấp chứng chỉ cho hơn 100 học viên tham gia lớp học. Hiện nay, Chi hội đang tiếp tục thực hiện chương trình học tiếng Chăm cho khóa tiếp theo. Lớp học này đã trở thành hoạt động thường niên của Chi hội.

Truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm:

Chi hội Dân tộc Chăm đã tổ chức nhiều khóa dạy nhạc truyền thống dân tộc. Trong đó, có 2 khóa học được sự hỗ trợ của quỹ CEEVN tại Hà Nội. Đặc biệt, lớp hoc tổ chức trong thời gian gần đây, Chi hội Dân tộc Chăm đã mời nghệ nhân Thiên Sanh Thềm trực tiếp giảng dạy nhạc cụ Chăm. Hiện nay, Chi hội vẫn đang tiếp tục thực hiện lớp học nhạc cụ truyền thống cho khóa tiếp theo.

Sinh hoạt văn hóa:

Chi hội Dân tộc Chăm đã tổ chức thành công 7 lần chương trình Lễ hội Katé – Ramâwan với chủ đề “Sắc màu lễ hội” và 6 lần chương trình mừng năm mới Rija Nâgar của người Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Học bổng:

Chi hội Dân tộc Chăm đã vận động quỹ tài trợ phát 85 suất học bổng cho sinh viên học giỏi, vượt khó và 201 phần quà cho tân sinh viên từ năm 2007-2013.

Hoạt động hội trại vòng tay bè bạn:

Chi hội Dân tộc Chăm đã kết hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh địa phương tổ chức thành công 6 lần hội trại với chủ đề “Hội trại vòng tay bè bạn” vào mỗi dịp tết Nguyên Đán hàng năm tại các thôn. Mỗi đợt hội trại thu hút khoảng 250 sinh viên và thanh niên Chăm tham gia. Tuy nhiên, trong 2 năm 2013 và 2014, Chi hội đã không tổ chức được hội trại, vì lí do khách quan.

Hoạt động văn nghệ – thể thao:

Trong hai năm 2012 và 2013, Chi hội Dân tộc Chăm đã tổ chức thành công giải bóng đá sinh viên Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động hỗ trợ vé xe về Tết Nguyên Đán:

Hằng năm, đến dịp tết Nguyên Đán, Chi hội Dân tộc Chăm thông báo và hướng dẫn cho các sinh viên Chăm làm đơn xin đăng ký vé xe về dịp tết do Trung tâm hỗ trợ sinh viên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Với thành tích nêu trên, Chi hội Dân tộc Chăm được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trao bằng khen cho 6 cá nhân xuất sắc trong Ban chấp hành Chi hội Chăm trong năm 2010 và 6 cá nhân xuất sắc trong năm 2011. Đặc biệt, trong hai năm liên tiếp (năm 2010 và 2011) Chi hội Dân tộc Chăm thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Qua đại hội được nghe rất nhiều những ý kiến đóng góp quý báu từ Ts. Nguyễn Khắc Cảnh như tăng cường lực lượng trẻ nhiệt huyết làm được việc, mở rộng quảng bá Chi hội dân tộc Chăm ra các cơ quan tổ chức khác vì nhiều cơ quan vẫn chưa biết đến chi hội và đặc biệt là bảo tồn văn hóa Chăm trong thời kỳ hiện nay.

Ông Mai Văn Đức thì góp ý nên quan tâm đến vấn đề pháp lý, chủ trương đường lối, nguồn nhân lực chủ chốt và đặc biệt là vấn đề kinh phí, theo đó ông Mai Văn Đức nói sẽ cố gắng hỗ trợ kinh phí cho chi hội trong các hoạt động văn hóa và học bổng.

Ngoài ra còn nhiều ý kiến tích cực của Ts. Trương Văn Món, Lưu Quang Tuấn Huy, Ths Quảng Đại Tuyên, Vạn Quang Vỹ, KTS Thành Chế Phương…như thành lập BCH mở rộng với các thành viên là những doanh nghiệp để dễ dàng nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp Chăm qua các thành viên trên, tăng cường công tác thông tin truyền thông qua website…Đại hội đã diễn ra rất sôi nổi với những góp ý sát vấn đề, thiện chí và đầy tích cực. Đại hội đã diễn ra một cách thành công tốt đẹp.

Kết thúc Đại hội đã bầu ra được 17 thành viên nằm trong BCH nhiệm kỳ IV (2014-2019) gồm:

STT Họ & tên
1 Ths. Đàng Năng Hòa Chi hội trưởng
2 Ds. Dụng Thị Bích Thùy Chi hội phó
3 Ths. Đàng Quãng Hưng Thiện Chi hội phó
4 Đàng Văn Vinh Chi hội phó
5 Đạo Thanh Quyến Thành viên
6 Dụng Nữ Kim Thừa nt
7 Bá Thị Sati nt
8 Nguyễn Ngọc Ánh nt
9 Hán Dương Hải Đăng nt
10 Tạ Văn Chuẩn nt
11 Tài Ngọc Huy nt
12 Thành Adam Krishna nt
13 Hứa Đình Ôren nt
14 Phú Văn Thích nt
15 Dương Quốc Thịnh nt
16 Bá Xuân Thắng nt
17 Qua Đổng Công Thành nt

 Hy vọng BCH nhiệm kỳ IV (2014-2019) sẽ cống gắng nổ lực, đem lại nhiều hoạt động thiết thực bổ ích, cho Chi hội cũng như cho cộng đồng Chăm qua đó góp phần bảo tồn, bảo lưu văn hóa dân tộc Chăm.

Putra Jatrai

Một vài hình ảnh trong Đại hội