(Gpt) – Tượng Thứ hậu Bia Than Can trong tháp Po Rome “bỗng dưng biến mất”

1074957_397872383656540_281315292_o

Sáng nay, theo nguồn tin của bà con làng Hậu Sanh, vào khoảng 6h ngày 16/7/2013 người trông coi di tích phát hiện pho tượng thứ hậu Bia Than Can đã biến mất.

Trước đó, sáng ngày 15/7/2013 bà con và chức sắc Chăm ở thôn Hậu Sanh-Ninh Phước-Ninh Thuận đã tiến hành làm lễ mở cửa tháp Po Rome theo phong tục. Sau khi xong phần lễ cửa tháp được đóng lại vào buổi chiều hôm đó thì pho tượng vẫn còn, đến sáng ngày 16/07 người trông coi ngôi tháp mở lại cửa tháp thì phát hiện pho tượng Bia Than Can đã biến mất không rõ nguyên nhân.

Tháp Po Rome được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, thờ vị vua Po Rome – vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Po Rome là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm. Hằng năm, người Chăm vẫn lên tháp cúng bái vào dịp Kate. Tháp Po Rome được xếp hạng di tích cấp quốc gia và hiện đang được Bảo tàng Ninh Thuận quản lý.Bên trong tháp Po Rome là tượng vua Po Rome cao khoảng 1,2m. Ngoài tượng vua còn có tượng nữ bán thân mà người Chăm gọi là hoàng hậu Bia Than Can, cao khoảng 0,75m và tượng Bia Than Cih, Bia Ut bên ngoài tháp.

Bia Than Can là người vợ thứ của vua Po Rome, gốc người Ê đê [1]. Sau khi vua Po Rome chết, Bia Than Can đã dũng cảm nhảy vào dàn hỏa thiêu cùng chồng mặc dù Bia Than Can chỉ là thứ hậu. Để tưởng nhớ lòng thủy chung son sắc của bà, người Chăm đã lập một ngôi tháp phụ cạnh tháp chính để thờ phượng. Sau này khi tháp phụ sụp đổ, tượng bà được đưa vào tháp chính, bên cạnh tượng vua Po Rome. Tượng gốc Bia Than Can đã mất cắp vào khoảng cuối năm 1994. Sau khi bị mất cắp, nghệ sĩ điêu khắc người Chăm Thành Văn Sưởng đã được bảo tàng Ninh Thuận yêu cầu phục chế lại tượng Bia Than Can và đưa trở lại tháp để người Chăm thờ phượng đến ngày hôm nay. Vì thế tượng Bia Than Can vừa bị mất cắp chỉ là “pho tượng mới khoác áo cổ”mà kẻ gian lầm tưởng là cổ vật có giá trị.

1074957_397872383656540_281315292_o

Tháp Po Rome đang được trùng tu, ngôi tháp có tượng Bia Than Can vừa bị mất cắp.

Không phải mới đây, câu chuyện các pho tượng cổ Champa bị mất cắp đã được kể từ trước đó rất lâu. Như vương miệng Po Rome bị con cháu dòng họ Camânay đánh tráo, hay bức tượng thần Siva trước vòm cửa tháp chính Po Klaong Girai bị mất cắp trước năm 1975 bằng máy bay mà thủ phạm lại là một chức sắc Chăm kết hợp với sĩ quan của chế độ cũ, và gần đây nhất là tượng Bia Than Can đã bị mất cắp.

Đối với người Chăm, tháp là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm, là niềm tự hào của dân tộc. Tiếc rằng, những gì mà tổ tiên họ để lại đã bị đảo lộn trầm trọng từ văn hóa đến di sản đến tín ngưỡng…, nhất là các pho tượng mà người Chăm đang ngày đêm thờ phượng và cúng bái đã và đang bị mất cắp. Điều này đồng nghĩa với niềm tin tâm linh đối với thần linh Chăm đang bị đánh cắp một cách trắng trợn. Đó là một câu hỏi lớn đặt ra cho đồng bào Chăm hôm nay: Ai là người bảo tồn và gìn giữ di sản tổ tiên của dân tộc mình?

1b-d352b

Hai bức tượng Khmer có niên đại từ thế kỷ thứ 10 bị đánh cắp khỏi đất nước này hồi đầu thập niên 1970 đã được trao trả lại cho Campuchia.

Sự việc “pho tượng mới khoác áo cổ” Bia Than Can bị kẻ gian lấy cắp một lần nữa dóng lên hồi chuông về hiện trạng bảo vật cổ nói chung, đặc biệt là các pho tượng cổ Chăm đang bị mất cắp ngày một trầm trọng. Trong khi thế giới đang tích cực trao trả những cổ vật bị thất lạc trở lại vị trí thực sự của nó như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York (Mỹ) vừa gửi trả lại Campuchia hai bức tượng Khmer có niên đại từ thế kỷ thứ 10 bị đánh cắp khỏi đất nước này hồi đầu thập niên 1970, thì hiện tượng này ở Việt Nam là điều hiếm thấy và có khi là ngược lại.

Qua vụ việc trên mong các cấp chính quyền sẽ nhanh chóng bắt tay vào điều tra để sớm bắt được thủ phạm hầu chấn an lòng dân và cũng cố lại niềm tin trong cộng đồng Chăm.

P.J – S.H – P.J

[1] Có nhiều nghiên cứu và truyền thuyết lẫn lộn giữa hoàng hậu Bia Than Cih – gốc Chăm và Bia Than Can – gốc Êđê và ngược lại tức là hoàng hậu Bia Than Cih – gốc Êđê và Bia Than Can – gốc Chăm. Nay chúng tôi lấy theo nghiên cứu của Sakaya trích trong “Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Chăm”-NXB Tri Thức 2013 (trang 40).

3 responses

  1. Thật đáng sót thây cho số phận của pho tượng ,biểu tượng tôn nghi dần dần tàn lụi biến mất bởi những kẻ trộm,trước sau gì kẻ này con cháu chín dòng họ tổ tông nhà ngươi muôn kiếp kiếp chịu tội làm con trâu ngựa đuôi mù.chịu tội tàn tạ nhất trên đời dưới âm tào địa phủ..
    còn hy vọng gj tìm được cơ chứ,lương tâm kẻ này chó tha hết rồi …cơ quan chức trách liệu có tin là tìm lại được không..thật đáng sót thây.

  2. Chỗ linh thiên như vậy mà họ còn dám đánh cắp. Chỉ sớm mong chính quyền bắt kẻ đó.

  3. […] (nguồn: http://gulpataom.com/2013/07/16/gpt-tuong-thu-hau-bia-than-can-trong-thap-po-rome-bong-dung-bien-mat…) […]