Ngô Văn Doanh: Vua Pô Klaung Girai và hệ thống thủy lợi của người Chăm

Trong lịch sử vương quốc Chămpa, có nhiều vị vua anh minh được sử sách và truyền thuyết trong dân gian ngợi ca như những nhân vật anh hùng có công với nước với dân. Một trong số những vị vua đó là Pô Klaung Girai, vị vua- thần được thờ phụng tại ngôi tháp Pô Klaung Girai ở Phan Rang. Điều lý thú và rất đặc biệt là, kỳ tích do vua Pô Klaung Girai tạo lập mà cho đến nay người Chăm còn ghi nhớ và tri ân lại không phải là những chiến tích quân sự mà lại là công việc đắp đập ngăn sông, dẫn thuỷ nhập điền. Điều đặc biệt nữa là, hệ thống thuỷ lợi mà vua Pô Klaung Girai tạo lập từ nhiều thế kỷ nay, cho đến nay vẫn còn sử dụng và được hoàn thiện. Để có được một sự đánh giá khách quan về những giá trị và ý nghĩa về môi trường mà đập nước Nha Trinh do vua Pô Klaung Girai cho đắp đem lại cho vùng đồng bằng Phan Rang từ xưa tới giờ, có lẽ cần phải nhìn vào lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của hệ thống thuỷ lợi này.Truyền thuyết nói rằng, đập Nha Trinh là do vua Pô Klaung Girai, vị vua được thờ trong ngôi tháp mang tên ông tại núi Trầu (thị xã Phan Rang- Tháp Chàm). Theo các nhà nghiên cứu, Pô Klaung Girai chính là vị vua oai hùng có sự nghiệp rất phiêu lưu và chìm nổi Suryavarmadeva; còn ngôi tháp thờ ở núi Trầu thì do vua Jaya Simhavarman (mà sử liệu Việt Nam gọi là Chế Mân), người anh hùng của cuộc chiến chống quân Nguyên- Mông dựng lên để thờ vị vua tiền bối.

Truyền thuyết và biên niên sử của người Chăm đều nói vua Pô Klaung Girai trị vì ở Chămpa vao những năm 1151-1205. Thế nhưng, các tài liệu bia ký thì cho biết, vào thời gian trên, trong lịch sử Chămpa, xuất hiện một vị vua tài giỏi có tên là Vidyanandana Suryavarmadeva. Theo ghi chép của các bia ký, vào năm 1190, khi quân đội Khơme của Jayavarman VII tiến đánh Chămpa để trả thù, vị hoàng thân Chămpa trẻ tuổi Vidyanandana (người đã sống ở Campuchia thời trẻ) được giao chỉ huy đội quân viễn chinh này. Hoàn thành công việc là hạ thành Vijaya, bắt vua Jaya Indravarman của Chămpa đưa về Campuchia và đưa hoàng thân In, em vợ của Jayavarman VII, lên ngôi ở Vijaya, hoàng thân Vidyanandana tự dựng cho mình một vương quốc riêng ở Panduranga và lấy vương hiệu là Suryavarmadeva. Chỉ hai năm sau, vào năm 1192, nhờ tài năng và mưu mẹo, Suryavarmadeva đã thống nhất được Chămpa và đưa đất nước thoát khỏi sự cương toả của người Khơme. Hai năm liên tục, năm 1193 và năm 1194, vua Jayavarman VII của Campuchia tìm cách bắt vua Chămpa phải trở lại phục tùng mình, nhưng không thành công. Mãi đến năm 1203, người bác là Yuvaraja Ong Dharapatigrama, tay sai của vua Campuchia, mới truất được ngôi của Suryavarmadeva. Và, từ thời điểm đó cho đến năm 1220, Chămpa biến thành một tỉnh của người Khơme. Cũng các tài liệu bia ký cho biết, trong thời gian trị vì, Suryavarmadeva đã làm được nhiều việc cho đất nước, như: đã tới Mỹ Sơn và dâng cúng nhiều tặng vật, trong đó có một vỏ bọc linga bằng vàng cho vị thần chủ Mỹ Sơn là Srisanabhadresvara và cho xây lại tại vùng Amaravati (vùng Bắc Chămpa) “tất cả các ngôi chùa”. Con bản thân nhà vua thì tuyên bố mình theo đạo pháp (Dharma) của Đại thừa Phật giáo.

Nếu như các bia ký cho biết về những chiến tích quân sự và những công đức cống hiến cho tôn giáo của đất nước, thì các truyền thuyết dân gian lại ghi rõ nguồn gốc xuất thân và kỳ tích làm thuỷ lợi của vua Pô Klaung Girai. Một trong những truyền thuyết dân gian của người Chăm kể rằng, Xưa kia, tại vùng Ninh Thuận, có hai vợ chồng già người Chăm không có con. Một hôm, ông bà đi qua bến dâu phía trên đập Nha Trinh và thấy một cái bọc trôi lềnh bềnh giữa sông. ông bà vớt cái bọc lên, mở ra, thấy một bé gái rất xinh. ông bà rất đỗi vui mừng, đem bé gái về nuôi. Thấm thoắt, cô bế đã lớn khôn và thường theo bố mẹ vào rừng đốn củi. Một hôm, trời nắng gắt, cô gái khát nước, mà khu rừng, nơi ba người đang hái củi, lại không có khe suối gì cả. ông già khuyên con gái ráng chịu, về nhà sẽ uống nước. Không chịu nổi cơn khát, cô gái lén đi tìm nước uống. Đi một quãng xa, cô thấy một tảng đá rất to, ở giữa tảng đá có một vũng nước trong vắt. Cô gái mừng rỡ, lấy tay vục nước uống. Khi ông bà già tìm thấy cô gái, thì vũng nước tự nhiên cạn dần. Ba người cho là điềm lạ, đành quay về. Từ hôm đó, tự nhiên cô gái thụ thai. Tới tháng, cô sinh được một bé trai mình mẩy ghẻ lở trông hết sức kinh tởm. ông bà già rất quý cháu, nuôi cháu rất cấn thận và đặt tên cháu là Pô ông. Lên bảy tuổi, Pô ông đi chăn bò cho nhà vua. Một hôm, vì mải chơi cung bọn trẻ, Pô ông để lạc một con bò trong đàn. Chạy tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, Pô ông bèn trèo lên một cây cao đẻ nhìn, và thấy con bò của mình đang bị cột trong vườn một ngôi nhà to lớn. Mừng quá, Pô ông tụt vội xuống đất, làm cho cây rung chuyển. Cây bỗng trở nên đỏ chói, rồi biến thành một con rồng. Con rồng đứng yên nhìn chàng trai một cách kính cẩn. Pô ông nhờ một người lớn đến xin lại con bò. Không ngờ, chủ ngôi nhà ấy là một vị thầy cả có cô con gái xinh đẹp. Thấy Pô ông ghẻ lở đầy mình, cô gái vội thưa với chả hãy trả bò cho anh ta và đuổi anh ta đi. Nhưng người cha tháy trên người chàng trai có những tướng lạ, thì rất vui mừng. ông nói với con gái biết điều đó và hứa gả con gái mình cho Pô ông. Một thời gian sau, Pô ông kết thân với một người bạn tên là Pô Klông Chanh và rủ nhau đi buôn trầu. Thường ngày, hai người về nghỉ ở một chỗ rồi thay phiên nhau về nhà lấy cơm ra cùng ăn. Một hôm, đến lượt Pô Klông Chanh đi lấy cơm, còn Pô ông thì nằm nghỉ và ngủ thiếp đi. Khi Pô Klông Chanh trở lại thì thấy một cảnh tượng kỳ lạ: một con rồng đang liếm khắp thân mình ghẻ lở của Pô ông. Và, thế là bao nhiêu vết ghẻ lở của Pô ông biến mất, còn Pô ông thì biến thành một chàng trai đẹp lạ thường. Một hôm, nhớ tới chàng trai chăn bò ghẻ lở, vị thầy cả tìm đến kết thân. Pô ông nhận cô con gái thầy cả làm vợ. Được ít lâu, vị vua băng hà, những không có hoàng tử kế vị. Trong khi triều đình lo nghĩ, thì con voi trắng của hoàng cung phá chuồng chạy thẳng tới chỗ Pô ông, quỳ xuống và đưa vòi ra tỏ ý mời. Tương con voi có chuyện gì cần đến mình, Pô ông nhảy lên mình voi. Voi đưa chàng trai về kinh thành. Và, ở đấy, Pô ông được đưa lên làm vua. Khi lên làm vua với cái tên là Pô Klaung Girai, Pô ông tỏ ra là một vị vua tài ba, có tài dẫn thuỷ nhập điền. Ruộng vườn, trước kia khô cạn, nhờ có ngài mà tươi tốt. Dân chúng no ấm hơn xưa. Ngài cho làm một chiếc bè bằng thân cây chuối, đặt ít đất lên bè rồi thả bè trên sông Dinh, đọc thần chú cho bè trôi ngược dòng. Khi chiếc bè trôi đén Nha Trinh, ngài hô “dừng lại”. Lập tức, bè chìm xuống và biến thành cái đập lớn chắn ngang sông. Ngài chỉ cho dân đào hai con mương để dẫn nước vào ruộng mà ngày nay vẫn gọi là mương Chăm. Nữ đào mương bên phải, nam đào mương bên trái. Vì cứ lo đi chòng ghẹo các cô gái, nên bên nam đào mương rất chậm. Con mương bên trái vì thế đành bỏ dở, không dùng được… Và, cho đến nay, hệ thống thuỷ lợi của đập Nha Trinh vẫn còn được sử dụng. Tất nhiên, ở các thời kỳ sau này, hệ thống thuỷ lợi này luôn được quan tâm và phát triển.

Theo những số liệu hiện nay, nghĩa là sau khi đã được “hiện đại hoá” ở thế kỷ XX, đập nước Nha Trinh (tiếng Chăm: Chakling) dài 385 mét, cao 5 mét, rộng 3 mét. Mương Cái hay mương Chăm (con mương do phụ nữ đào) dài khoảng 60.000 mét (60 Km.) với lòng chỗ rộng nhất là 8 mét, chỗ hẹp nhất là 2 mét, chảy qua các thôn xã sau: Tháp Chàm, An Nhơn, Phước Nhơn, Mỹ Nhơn, Gò Đền, Hộ Đim, Thành ý, Công Thần, Cò Rái (Ba Tháp), Bình Nghĩa. Theo thống kê trước năm 1975, hệ thống mương đập Nha Trinh cung cấp nước cho một vùng canh tác rộng khoảng 12.800 hécta thuộc hai huyện An Nhơn và Ninh Hải. Còn Mương Đực, hay Mương Nam, hoặc Mương Tây (mương do đàn ông đào), dài khoảng 50.000 mét (50 Km.) chảy qua Phước An, Pghước Thiện, Hoài Trung, Như Ngọc, Bình Chữ, Hữu Đức, Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp, Thành Tín. Ngoài ra, kể từ đập Nha Trinh trở xuống, còn bốn đập nữa.

Như vậy là, truyền thống làm thuỷ lợi gắn với môi trường và phát huy tối đa sức mạnh của môi trường ở vùng đất Ninh Thuận đã có từ rất lâu, ít nhất là từ thời vua Pô Klaung Girai vào thế kỷ XII-XIII. Hơn thế nữa, công trình thuỷ lợi gắn với môi trường thiên nhiên và làm trù phú thêm cho môi trường thiên nhiên này vẫn còn được sử dụng và phát huy cho đến ngày hôm nay. Chắc chắn là bài học của quá khứ sẽ giúp ích nhiều cho chúng ta ngày hôm nay trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường sống./.

PGS.TS. Ngô Văn Doanh

Nguồn : Viettems