Putra Jatrai: Luật tục Chăm ngày xưa và đời sống xã hội Chăm ngày nay

ThapCham_b5d981.     Dân tộc Chăm và văn hóa Chăm

Người Chăm là một dân tộc có sự hình thành và phát triển lâu đời, theo sử liệu bia ký cuối thế kỷ thứ II (SCN) Vương quốc Champa đã hình thành, phát triển và tồn đến năm 1832.

Người Chăm thuộc chủng tộc Nam Á, thuộc hệ ngôn ngữ Malayo-Polinesien có tiếng nói gần giống các dân tộc phía Tây Trường Sơn như Raglai, Churu, Rade.

Người Chăm có chữ viết riêng, họ dựa vào chữ Sanskit (Phạn ngữ) cải biên thành chữ Chăm Akhar tharh tồn tại đến ngày hôm nay.

Ngày nay người Chăm là một thành phần trong 54 dân tộc Việt Nam có số dân khoảng 152.000 người (năm 1999), riêng ở Ninh Thuận có khoảng 72.500người (năm 2012) [1]  tập trung trong 22 palei (thôn/làng) Chăm, sống quần cư với nhau tạo nên những nét văn hóa đặc trưng, người Chăm Ninh Thuận hiện nay còn giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như những lễ nghi, lễ hội, lễ tang,… và đặc biệt còn tồn tại hai làng nghề truyền thống là nghề dệt Mỹ Nghiệp và nghề gốm Bầu Trúc.

Người Chăm Ninh Thuận có ba cộng đồng tôn giáo, trong đó có hai tôn giáo chính là Ahier (người Chăm theo tôn giáo Bà La Môn) và Awal (người Chăm theo tôn giáo Hồi giáo đã bản địa Chăm hóa). Ngoài ra còn có cộng đồng Chăm theo tôn giáo Islam ( Hồi giáo chính thống). Trong 22 làng Chăm, có 15 làng Chăm Ahier và 7 làng Chăm Awal.

Mặc dù 2 cộng đồng tôn giáo sống tách biệt nhau nhưng các palei Chăm vẫn mang sắc thái đặc trưng riêng và có quan hệ qua lại với nhau trong các dịp lễ hội, lễ tục.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ gia tộc, mối quan hệ bên mẹ là quan hệ quyến thuộc và quan trọng nhất, người mẹ nắm toàn quyền trên tài sản của gia đình, con gái út được thừa hưởng phần lớn tài sản do cha mẹ để lại.

Cơ chế chế độ mẫu hệ của người Chăm phản ánh đậm nét thể hiện trên các mặt: sự phân hóa xã hội, quan hệ gia đình, hình thức hôn nhân, hình thức tín ngưỡng… vì vậy cơ chế mẫu hệ xã hội truyền thống của người Chăm gắn bó chặt chẽ với nhau và được vận hành bằng các luật tục được quy định theo từng công việc, tính chất mức độ. Họ sống trên cơ sở đoàn kết yêu thương lẫn nhau, cùng nhau lưu giữ các thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên tạo nên một cơ cấu xã hội cổ truyền bền vững trong suốt những năm tháng thăng trầm tồn vong của lịch sử dân tộc.

2.      Luật tục Chăm một số vấn đề chung

Luật tục là một thuật ngữ bao hàm một ý nghĩa chung là một loại luật được người dân của dân tộc ấy sử dụng, được lưu truyền trong dân gian, bắt nguồn từ phong tục, tập quán sống gắn liền với giá trị, quy ước của cộng đồng, biệt lập với luật Nhà nước hiện hành.

Theo Abdulal: “luật tục (adat) là toàn bộ hệ thống cấu trúc của xã hội trong đó các phong tục của địa phương là bộ phận cấu thành, luật tục (adat) đã thiết lập nên toàn bộ giá trị nền tảng cho các phán xét về đạo đức và về pháp luật, luật tục (adat) là đại diện cho kiểu mẫu lý tưởng về quy tắc ứng xử” [luật tục Indonesia].

Theo Văn Món “luật tục (adat)  Chăm là những qui ước của cộng đồng chứa đựng toàn bộ tiêu chí đạo đức, luân lý cách ứng xử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng phản ánh nhiều mặt trong cuộc sống xã hội của người Chăm.”

Luật tục  (adat) Chăm không có trên các văn tự, không được soạn thảo bởi các vua chúa Champa thời xưa mà là được lưu truyền trong dân gian bằng các tác phẩm văn học như ariya, dulikal, panuec pandit, panuec yaw,…đó là những lời ngâm dễ nhớ, dễ thuộc, chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm, hạn chế tối đa những hành vi sai trái.

Luật tục (adat)  Chăm được quy định khá chặt chẽ, những chuẩn mực đạo đức lối sống trong xã hội đương thời, được tích lũy lâu đời qua quá trình sống, thể hiện những văn minh cao đẹp của một dân tộc góp phần giải quyết những mối quan hệ tranh chấp, xích mích một cách đơn giản mà không cần dùng đến những bộ máy nhà nước cồng kềnh, không có công cụ cưỡng chế như quân đội, hiến binh, pháp lí. Mọi việc đều được giải quyết bằng tình cảm giữa người với người qua những chuẩn mực đạo đức cao đẹp.

Khái quát một số luật tục adat Chăm

Người Chăm quan niệm adat là do ông bà, tổ tiên trao truyền từ đời này sang đời khác, trong quá trình trao truyền dần dần adat đã trở thành phong tục, tập quán, qui ước quan trọng trong cách ứng xử của mỗi cá nhân, con người, gia đình, làng và cộng đồng người Chăm. Vì vậy muốn sống chung và hòa nhập cộng đồng thì con người ấy phải biết adat.

Adat Chăm có câu:

Hakum saong adat

Krung bitanat nao

Jalan ita

Luật đạo, luật đời

Để được nên người

Học kỹ, hiểu sâu

Trong adat Chăm có 3 hình thức xét xử phân theo 3 cấp độ là ở gia đình, họ tộc và palei làng, 3 cấp độ ấy có mối quan hệ mặt thiết và thống nhất với nhau tạo cho adat Chăm vận hành trôi chảy, thống nhất và có hiệu lực.

Ở đây tác giả chỉ khái quát một số luật tục liên quan đến cuộc sống xã hội hiện nay để so sánh và nhận định

Luật tục về tội ăn cắp, gây rối

Adat Chăm có câu:

Klaik sawah,

Ngap jhak mbaok

Jawo mata gep tian

Ăn cắp là việc xấu xa,

Không đạo đức,

Làm ô danh gia đình dòng tộc.

Người ăn bị bị bắt quả tang thì được giao cho làng xử lí, làng xử bằng cách trói người ăn cắp cùng hiện vật đi khắp trong làng vừa đi vừa hô to vật đã ăn cắp, adat Chăm nói làm như vậy để kẻ ăn cắp không dám ăn cắp nữa và cảm thấy xấu hổ.

Ngap ka nyu tapah sari

Kli aia abaoh di akaok

Làm cho kẻ cắp chừa thói

Làm cho nhớ đời đừng bao giờ ăn cắp nữa

Adat Chăm có câu:

Praong pabah saong amaik amâ

Praong pabah saong adei sa-ai

Praong pabah saong palei Nugar

Hỗn láo với cha mẹ

Hỗn láo với anh em

Hỗn láo với xóm làng

Là những người hay gây rối, họ không biết kẻ trên người dưới, họ không biết tôn ti trật tự, họ không biết đầu đuôi thứ tự trước sau thì liệt vào những kẻ gây rối và phải được xử lí, trừng phạt.

Đối với những kẻ hay gây rối, chửi bới cha mẹ, xóm giềng họ tộc thì sẽ bị phạt bằng roi, người Cei (cậu) trong gia đình sẽ đứng ra xử phạt người quấy rối, nếu kẻ quấy vẫn còn tái phạm thì sẽ bị giao cho Po palei xử lí, bằng cách loại bỏ thành viên ấy ra khỏi cộng đồng làng.

Luật tục về đạo đức lối sống của con cái với ông bà cha mẹ

Đạo làm con phải lo phụng dưỡng cha mẹ lúc về già và khi mất phải lo đầy đủ các nghi lễ đám tang, nhập kut, hoàn thành được nghĩa vụ trên là trả được công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ đó là những lời adat truyền dạy.

Khing kamei mâk anâk ngap karai

Sa rituh thun taha hu anâk malieng tanâ

Lấy vợ sinh con nối dòng

Trăm năm về già có con thờ phụng

Con cái nào không phụng dưỡng cha mẹ thì sẽ bị cộng đồng lên án và không được tham gia các lễ nghi tang ma cho cha mẹ quá cố.

Luật tục về hôn nhân

Chỉ xin xét về hôn nhân ngoại tộc

Adat Chăm qui định con gái 16 tuổi trở lên, con trai 18 tuổi trở lên không có quan hệ họ hàng thì được kết hôn với nhau.

Adat Chăm rất khắc khe với việc kết hôn ngoại tộc họ cho việc ấy là sự sỉ nhục đối với gia đình, họ tộc, ai kết hôn với người ngoại tộc thì người Chăm cho là “người ô uế”  (Chăm haruk haram), người đó sẽ bị tước đi quyền lợi và nghĩa vụ, họ không được tham gia vào các lễ nghi tôn giáo như đám tang, lễ nhập kut. Đối với người Chăm lễ tang, lễ nhập kut khi cha mẹ quá cố là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả mà người con có trách nhiệm hoàn thành cho chu đáo.

Luât tục về đạo đức giới tính tình dục

Giáo dục giới tính luôn là hình thức giáo dục quan trọng trong xã hội hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ học sinh, sinh viên. Luật tục adat luôn đề cao giáo dục là yếu tố hàng đầu, nếu sự việc xảy ra ngoài sự kiểm soát thì adat phạt vạ bằng đòn roi hay bằng hiện vật cụ thể. Trường hợp như con gái không có chồng nhưng lại mang thai thì sẽ bị tộc họ phạt đánh bằng roi để tìm người cha đứa bé trong bụng, nếu người cha đứa bé chưa có vợ thì adat buộc người cha phải kết hôn với người mang thai, nếu người cha đứa bé đã có vợ thì adat phạt bằng lễ trầu rượu, váy áo, còng tay cho bên đàng gái.

Trường hợp nếu người mang thai không khai ra cha đứa bé thì người con gái sẽ bị kết tội loạn luân, sau này người mẹ và con sẽ bị loại khỏi cộng đồng làng và khi chết sẽ không được nhập kut của họ tộc bên mẹ.

Luật tục về loạn luân

Adat Chăm có câu :

Sa praok sa patra

Sa kut sa ghur

Khing gep o hu

Duis sak lo mey

Cùng một tổ tiên

Cùng một dòng họ

Lấy nhau không được

Tội lắm người ơi!

Theo adat Chăm hôn nhân cùng dòng họ, với con cô cậu, chú bác, chồng hoặc vợ kết hôn với con riêng được xem là loạn luân, adat Chăm coi tội loạn luân còn không bằng cây cỏ, động vật, adat nói cây cối, con vật còn biết có gốc có nguồn, huống chi là con người có tri giác, có trí óc, biết suy nghĩ mà không biết mình từ đâu sinh ra.

Aia hu haluw  kayuw hu agha

Athek daok thau krân ka gep

Manuis hu gep hu tian hu adei sa-ai

Nước có nguồn cây có cội

Con ngựa còn biết nhìn nhận nhau

Chim có tổ người có tông có dòng họ có anh em

Vì vậy con người cùng huyết thống không thể kết hôn với nhau, nếu kết hôn sẽ bị phạm tội loạn luân, làm đất trời nổi giận. Do đó người Chăm luôn có ý thức giáo dục con cái nếu có biểu hiện yêu thương giữa các anh em dòng họ, hoặc phải tìm cách ngăn chặn ngay từ đầu. Việc này không chỉ có trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Amaik pataow anâk

Sa-ai pataow adei

Caik yuw nan

Krun palei nâgar

Mẹ phải dạy con

Anh phải dạy em

Để như thế

Xóm làng rối ren

Nếu sự việc xảy ra thì họ tộc, cộng đồng xử phạt bằng cách tử hình là “ bỏ vào rọ thả trôi sông ” nếu không thì thần Yang sẽ nổi giận gây ra tai ương, bệnh tật, hạn hán, mất mùa. Ngày nay hình phạt này đã không còn và không phù hợp với xu thế hiện nay.

3.      Lối sống của người Chăm ngày nay

Ngày nay xã hội Chăm có nhiều chuyển biến lớn, văn hóa ngoại lai đã và đang hình thành, phát triển trong đa số đại cộng đồng người Chăm thay đổi toàn bộ trên hệ thống phương diện lễ hội, lễ tục như đám cưới, đám hỏi…những giá trị truyền thống đã không còn được gìn giữ.

 Ngày nay tuy với hệ thống bộ máy nhà nước cồng kềnh, có những công cụ phục vụ cho quyền lực như nhà tù, cảnh sát nhưng ở một góc độ nào đó xã hội Chăm vẫn đang bị xáo trộn, ở các làng Chăm những vụ cướp bóc, đánh đấm vẫn xảy ra hàng ngày, những người gây rối vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, những kẻ trộm cắp vẫn ngang nhiên hoành hành, bị bắt rồi được thả mà không hề có biện pháp xử lí thích đáng.

Trong vấn đề hôn nhân ngày nay, giới trẻ Chăm rất phóng khoáng trong lối sống giới tính, chọn bạn tình hay hôn nhân ngoại tộc, yêu và kết hôn với người ngoại tộc đã trở thành mốt trong lối sống của giới trẻ Chăm. Hậu quả của lối sống phóng túng là mang thai hay có con ngoài ý muốn, phải bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân một phần do một số luật tục adat đã không được truyền dạy, quên hẳn đi văn hóa truyền thống dân tộc, một số thành phần còn xem văn hóa dân tộc là chậm tiến so với thời cuộc.

Ngày xưa ở các làng Chăm tuy sử dụng những luật tục và biện pháp xử lí đơn giản như phạt đánh bằng roi, quá đáng thì bị loại khỏi cộng đồng làng nhưng những vấn nạn xã hội không hề và ít khi xảy ra. Ngoài sự du nhập trào lưu văn hóa chợ búa của kẻ thống trị thì sự can thiệp quá mức của chính quyền vào lối sống đơn giản mộc mạc của người dân đã làm mất đi bản tính hiền hòa, ngay thẳng của cộng đồng, các ban phong tục, ban hòa giải, Hội đồng phong tục không được duy trì theo đúng chức năng của nó mà thay vào đó là những hiến pháp, lập pháp giúp duy trì quyền lực vốn có.

 Dưới thời đệ nhất cộng hòa hay đệ nhị cộng hòa người Chăm may mắn được sử dụng những bộ luật do chính trí thức, nhân sĩ người Chăm soạn thảo dựa trên những luật tục truyền thống lâu đời. Những bộ luật ấy không những góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, văn hóa bản sắc địa phương mà còn góp phần giữ gìn an ninh xã hội một cách tốt đẹp.

 4.      Kết Luận

Adat Chăm là sự tích tụ thường trực của cộng đồng được kế tục trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không phải do một cá nhân nhất thời đặt ra mà là thành quả của cả chế độ thị tộc, mẫu hệ.

 Adat là công cụ quan trọng để bảo vệ cơ cấu palei làng cổ truyền của người Chăm tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay, do vậy adat Chăm bị phá vỡ thì tổ chức xã hội và bản sắc văn hóa cũng sẽ bị biến mất theo. Do đó bảo vệ sự tồn tại của adat chính là bảo vệ bản sắc cổ truyền ngàn đời đồng thời lưu giữ những thuần phong mỹ tục của dân tộc.

 Nói chung adat Chăm là những qui ước cộng đồng, chứa đựng toàn bộ đạo đức, luân lí, cách ứng xử phong tục tập quán tín ngưỡng,…trong cuộc sống xã hội, adat Chăm khác hẳn với pháp luật hiện đại nó không có giả định, chế tài và khung hình phạt, không có công cụ cưỡng chế như nhà tù, quân đội…mà là quy phạm xã hội mang tính giáo dục cao và hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ.

 Tài liệu tham khảo chính

 

1.[1] Số liệu tham khảo web Inrasara.com

 2. Phan Đăng Nhật (chủ biên),Tô Đăng Hải, Sakaya, Chamaliaq Riya Tiêng, Trần Vũ – Luật tục Chăm-Raglai : NXB Văn hóa dân tộc 2003

 3. Cụ Dương Tấn Phát – Dự thảo bộ luật Chăm. 1950

 4. Văn Món – Luật tục người Chăm và luật pháp nhà nước trong vấn đề hôn nhân-gia đình hiện nay.

5. Gs. P-B. Lafont – Champaka 11 Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư & lịch sử. IOC-2012

Có một phản hồi

  1. […] – Putra Jatrai: Luật tục Chăm ngày xưa và đời sống xã hội Chăm ngày nay(Gulpataom). […]