Gulpataom : Trả lời cho độc giả về lễ Tết của người Chăm

 091021045815_tetcham1BBT Gulpataom có nhận được câu hỏi của một bạn đọc về lễ tết của người Chăm, Bạn đọc đã đặt câu hỏi là “ có phải Kate là tết của người Chăm không ? ”, điều này là sự nhầm lẫn tai hại nên BBT Gulpataom có câu trả lời ngắn gọn cho bạn đọc cũng như một số bạn trẻ Chăm vừa mới tiếp xúc về văn hóa Chăm nên vẫn còn có những nhận định và suy nghĩ như bạn đọc đã đặt câu hỏi trên.

Đây là đề tài mà tất cả các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên về văn hóa Chăm đã nêu và khẳng định lễ hội Kate không phải là tết của người Chăm, nhưng hầu như do lễ hội Kate có sức hút có sự tham gia quá lớn của đại đa số cộng đồng người trong và ngoài nước yêu văn hóa Chăm nên đã dẫn đến một số quan niệm Kate là tết của người Chăm, điều này là một sự nhầm lẫn to lớn cần phải khắc phục.

1. Lịch Chăm

Văn hóa Chăm đa phần ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nên từ xa xưa người Chăm đã dùng lịch Saka của Ấn Độ để áp dụng trong cuộc sống cũng như trong tính toán các nghi lễ tôn giáo.

Người Chăm gọi lịch là Sakawi có hệ thống ngày, tháng, năm như âm lịch Việt Nam. Một năm có 12 tháng theo thứ tự từ tháng 1 đến tháng 10 riêng tháng 11 gọi là bilan puis, tháng 12 gọi là bilan mak.

Tháng tính theo sự hiện diện của mặt trăng, từ ngày có trăng đến ngày hết trăng trong tháng được phân thành hai thời kì, bắt đầu từ lúc trăng mọc đến ngày rằm 15 gọi là bingun, từ 15 trở đi trăng khuyết nên gọi là Klăm.

Người Chăm thường tổ chức các lễ hội, lễ tục mang tính cộng đồng vào ngày đầu của tháng nghĩa là vào thời kì bingun.

2. Lễ hội Rija Nâgar: lễ tết của người Chăm

 Lễ hội mang tính cộng đồng đầu tiên trong những ngày đầu năm mới của lịch Chăm là lễ hội Rija Nâgar. Người Chăm quan niệm Rija Nâgar là lễ múa tống ôn đầu năm. Cầu cho mưa thuận gió hòa, xin sự an lành cho xóm làng đồng thời tống khứ những cái xấu xa, ô uế, tống khứ những gì không may mắn của năm cũ, đón những điều mới an lành vào xóm làng, quê hương.

Lễ hội Rija Nâgar không phân biệt Chăm Ahier (Chăm theo đạo Bà La Môn giáo) hay Chăm Awal (Chăm Bà Ni), tất cả cộng đồng Chăm đều tổ chức và tham dự.

Vậy Rija Nâgar mang đầy đủ, ý nghĩa sắc thái của một năm mới. được tổ chức vào những ngày đầu năm mới, tống ôn những cái xấu và cầu xin những điều may mắn hạnh phúc cho năm mới, tất cả các làng Chăm không phân biệt tôn giáo đều diễn ra lễ hội Rija Nugar.

Năm nay lễ hộiRija Nâgar diễn ra vào ngày 10-11 tháng 4 (Dương lịch) ở các làng Chăm Ahier, ngày 11-12 tháng 4 (Dương lịch) ở các làng Chăm Awal.

Lễ hội Rija Nâgar

Lễ hội Rija Nâgar

Riêng ở Hải ngoại năm nay được tổ chức tại: WILLIAM LAND PARK, 3800 S Land Park Dr, Sacramento, CA 95822 do Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa tổ chức. Các độc giả ở Hải ngoại có thể đến địa chỉ trên để tham dự cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa lễ hội Chăm.

Thư Mời Rija Nâgar

Thư Mời Rija Nâgar

3.Lễ hội Kate: lễ hội cộng đồng người Chăm Ahier

 Lễ hội Kate diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch, là lễ hội thường niên của người Chăm Ahier, lễ nhằm tưởng nhớ các vị nam thần như Po Klaong Garai, Po Rame….và tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã phù hộ độ trì cho con cháu.

Lễ hội diễn ra đầu tiên tại các đền tháp, vị chủ lễ là Po Adhia (cả sư), sau đó đến cộng đồng làng và cuối cùng là gia đình.

Lễ hội mang đậm nét ảnh hưởng của Ấn giáo qua các bài cúng tế thường hay nhắc đến các vị thần Shiva, Vishnu…

Ngày nay do ảnh hưởng của văn hóa du lịch nên lễ hội Kate đã lôi cuốn và thu hút nhiều thành phần dân tộc tham dự gây nên sự nhầm lẫn tai hại là Kate là lễ tết của người Chăm,điều này cần phải khắc phục sửa đổi.

Lễ hội Kate

Lễ hội Kate

4.Lễ hội Ramawan: lễ hội cộng đồng người Chăm Awal

Lễ hội Ramawan diễn ra vào tháng 9 Hồi lịch, là lễ hội của người Chăm Awal (Chăm theo đạo Bà Ni), lễ hội do Po Acar làm chủ lễ, lễ diễn ra trong 3 ngày đầu.

Ngày đầu là lễ tảo mộ nao ghur, sau đó là lễ cúng tưởng nhớ ông bà tổ tiên tại nhà, cuối cùng là lễ chay niệm và hành lễ tại thánh đường.

Lễ hội mang đậm nét ảnh hưởng của Hồi giáo, nguyên bản của lễ hội là mùa chay tịnh của tín đồ Hồi giáo, khi Hồi giáo du nhập vào Champa được người Chăm tiếp nhận và cải biên thành lễ hội mang tính bản địa đặc sắc.

Lễ hội Ramawan

Lễ hội Ramawan

5. Kết Luận

Ta thử so sánh lễ hội Rija Nâgar với lễ hội Kate cũng như Tết Nguyên đán của Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á thì lễ hội Rija Nâgar mang đầy đủ sắc thái của một cái tết cổ truyền hơn so với lễ hội Kate.

Lễ hội Rija Nâgar

–          Tổ chức vào đầu năm Chăm lịch

–          Không phân biệt Chăm Awal hay Chăm Ahier mà tất cả cộng đồng Chăm đều tổ chức.

–          Ý nghĩa: tống ôn, tẩy uế những cái xấu xa, cầu xin những điều may mắn cho cộng đồng xóm làng

Lễ hội Kate

–          Tổ chức vào tháng 7 Chăm lịch

–          Là lễ hội thường niên của Chăm Ahier

–          Ý nghĩa: Tưởng nhớ các Thần-Vua và tổ tiên.

Các lễ hội của người Chăm ngày nay luôn thu hút du khách thập phương,điều này làm cho các lễ hội người Chăm ngày một lan rộng đặc biệt là lễ hội Kate. Do đó các cơ quan tổ chức nên đưa lễ hội về đúng ý nghĩa của nó và phổ biến rộng rãi hơn để các thế hệ trẻ và các dân tộc anh em hiểu đúng ý nghĩa giá trị của các lễ hội, điều này phụ thuộc vào các hội đoàn người Chăm sáng lập như Trung Tâm Unesco, Chi hội dân tộc Chăm, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa, Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa.

BBT Gulpataom

Có một phản hồi

  1. […] – Gulpataom : Trả lời cho độc giả về lễ Tết của người Chăm (Gulpataom). […]